Cập nhật vào 06/12
Trong bắp cải có chứa lượng vitamin cao hơn nhiều so với các loại rau củ khác như: cà rốt, khoai tây, hành tây nhưng một số người không nên ăn nhiều loại rau này vì sẽ gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình như người mắc bệnh thận, người bị cường giáp, bướu cổ….
Cách chọn rau bắp cải ngon
- Hình dáng bắp cải: Khi chọn mua bắp cải thì bạn hãy để ý, đừng chọn bắp cải có hình dáng dẹp, bầu dục mà hãy chọn bắp cải tròn. Bắp cải càng tròn đẹp sẽ là bắp cải ngon nhé.
- Màu sắc bắp cải: Giữa hai loại bắp cải có lá màu xanh đậm và bắp cải có lá xanh nhạt gần giống màu trắng thì bạn nên chọn bắp cải xanh đậm vì nó sẽ ngon hơn. Đặc biệt, bắp cải có độ sáng bóng sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo.
- Kiểm tra độ săn chắc: Dùng ngón tay ấn nhẹ vào bắp cải sẽ biết đó là bắp cải ngon hay dở. Nếu khi ấn vào, bạn cảm thấy bắp cải rất cứng thì đó là bắp cải tươi và giòn ngon. Còn bắp cải mềm dễ ấn thì đó là bắp cải không tươi hoặc ít lá nhé.
- Kiểm tra trọng lượng: Cùng một kích cỡ nhưng bắp cải nào nặng hơn chứng tỏ bắp cải đó nhiều lá và đặc ruột. Do đó, khi cầm hai bắp cải cùng kích cỡ trên tay thì bạn cứ chọn bắp cải nặng hơn là bảo đảm ngon.
Cách bảo quản bắp cải
- Giữ được hàm lượng lớn vitamin, dưỡng chất có trong bắp cải, bạn cần cho bắp cải vào túi nilon, khoét thêm lỗ thông khí rồi cho bắp cải vào ngăn mát của tủ lạnh để bảo quản.
- Trường hợp bắp cải đã sử dụng một phần thì bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc phần còn lại chưa sử dụng lại sau đó mới cho vào ngăn mát tủ lạnh.
- Bắp cải không nên thái, cắt sẵn, dùng bao nhiêu thì bạn thái, cắt bấy nhiêu, vì nếu thái sẵn để dùng từ từ thì theo thời gian, chất dinh dưỡng, vitamin sẽ bị hao hụt và khi chế biến sẽ không đem lại cho bạn nhiều dưỡng chất, hương vị cũng không tươi ngon.
- Dù bảo quản trong tủ lạnh thì bắp cải cũng chỉ nên sử dụng trong vòng vài ngày, không nên để quá lâu.
Những người không nên ăn bắp cải
- Người bị cường giáp, bướu cổ: Cải bắp chứa một hàm lượng nhỏ goitrin. Chất này có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ nếu ăn nhiều bắp cải sẽ có nguy cơ tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Với những người này, chỉ nên ăn một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrin sẽ bị phân hủy hết.
- Người bị bệnh thận: Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải. Bắp cải là một trong những thực phẩm chứa nhiều axit oxalic, nếu ăn nhiều có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Người bị sỏi thận nếu ăn nhiều bắp cải càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
- Người bị bệnh dạ dày: Bắp cải là loại rau có chứa nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng việc ăn bắp cải sống dễ sinh đầy bụng, đặc biệt đối với những người bị đau dạ dày, người táo bón, tiểu ít. Vì vậy, cách tốt nhất đối với người có dấu hiệu bệnh trên, nếu ăn thì phải nấu chín. Tuyệt đối không nên ăn sống, muối xổi.
- Người tạng hàn: Những người thuộc tạng hàn thường xuyên có biểu hiện lạnh bụng mỗi khi ăn đồ mát hoặc lạnh, đặc biệt là vào mùa đông. Hơn nữa, cải bắp lại là thực phẩm có tính mát. Vì vậy, khi chế biến, những người tạng hàn nếu ăn nên kèm theo một chút gừng tươi để tăng cảm giác ấm và giảm cảm giác lạnh.
Tác hại của rau bắp cải
Bắp cải có thể gây đầy hơi. Bắp cải là loại rau họ cải cùng với súp lơ xanh, cải xoăn và súp lơ trắng. Các loại rau họ cải chứa raffinose – một loại đường chỉ được tiêu hoá trong ruột già nơi các vi khuẩn sản sinh metan lên men. Quá trình này tạo ra khí do vậy gây đầy hơi.